Seminar khoa học định kỳ, Bộ môn Khoa học máy tính (Khoa CNTT), Trường ĐHCN
Chuỗi seminar khoa học định kỳ của bộ môn Khoa học Máy tính, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, là diễn đàn học thuật được tổ chức hàng tháng nhằm tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên và các nhà nghiên cứu trao đổi ý tưởng, chia sẻ kết quả nghiên cứu và thảo luận về các xu hướng mới trong lĩnh vực khoa học máy tính. Các seminar thường có sự tham gia của các diễn giả trong và ngoài trường, cung cấp cái nhìn sâu sắc về những vấn đề hiện tại và thách thức trong công nghệ thông tin.
Buổi seminar ngày 21/11/2024 với sự điều phối khoa học của PGS. TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh đã diễn ra thành công với chủ đề Trí tuệ nhân tạo và Viễn thám cùng sự tham gia của hai diễn giả: TS. Tống Sĩ Sơn đến từ Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Đại học Việt Pháp) và TS. Mẫn Đức Chức đến từ trường Đại học Công Nghệ.
TS. Tống Sĩ Sơn là giảng viên và nghiên cứu viên Khoa Vũ trụ và Ứng dụng, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Đại học Việt Pháp). Đến với buổi seminar, tiến sĩ Sơn đã có bài trình bày “Công nghệ viễn thám UAV tích hợp AI trong đánh giá sức khỏe thực vật”. Đánh giá sức khỏe thực vật là thành phần cơ bản trong nghiên cứu hệ sinh thái và nông nghiệp chính xác. Công nghệ Viễn thám vệ tinh có thể quan trắc sức khỏe thực vật trên diện rộng nhưng gặp nhiều thách thức do hạn chế về độ phân giải, khả năng tiếp cận dữ liệu và mây bao phủ. Gần đây, công nghệ máy bay không người lái (UAV) mang các bộ cảm biến khác nhau (RGB, đa phổ, siêu phổ, hồng ngoại nhiệt) có thể cung cấp dữ liệu thay thế, bổ xung cho hạn chế của vệ tinh. Tuy nhiên, việc khai thác thông tin sức khỏe thực vật ẩn trong khối dữ liệu đa dạng thu được từ UAV về thực vật cần có các công cụ mạnh như học máy. Bài trình bày giới thiệu một số thực nghiệm sử dụng công nghệ UAV tích hợp các bộ cảm biến khác nhau trong nghiên cứu sức khỏe rừng ngập mặn và lúa.

TS. Tống Sĩ Sơn trình bày về “Công nghệ viễn thám UAV tích hợp AI trong đánh giá sức khỏe thực vật”

TS. Tống Sĩ Sơn trình bày về “Công nghệ viễn thám UAV tích hợp AI trong đánh giá sức khỏe thực vật”
Diễn giả thứ hai của buổi seminar là TS. Mẫn Đức Chức, đang công tác tại bộ môn Khoa học Máy tính, Đại học Công nghệ, đồng thời cũng là thành viên của nhóm nghiên cứu. TS. Chức đã đem đến bài trình bày về “Foundation models in Digital Earth: Recent Advances and Future Perspectives”. Nghiên cứu Trái Đất Số (Digital Earth), khởi phát từ hơn hai thập kỷ trước, với mục tiêu tạo ra một bản sao số của Trái Đất, qua đó có thể nhúng dữ liệu quá khứ, hiện tại và giả lập các kịch bản tương lai, đã và đang phát triển mạnh mẽ và có nhiều đóng góp lớn vào sự phát triển trên nhiều lĩnh vực của xã hội. Những hệ thống thể hiện một phương diện nào đó của Trái Đất Số có thể kể đến như Google Map, Google Earth, mạng cảm biến, các hệ thống vệ tinh quan sát Trái Đất (Remote Sensing) thu thập dữ liệu, Digital Twin. Những hệ thống này đều thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu địa không gian lớn. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là các mô hình nền tảng, hứa hẹn sẽ thay đổi cách sử dụng, phân tích dữ liệu địa không gian. Cụ thể, bài trình này sẽ bao gồm nội dung tổng quan về ngành nghiên cứu Trái Đất Số và những nghiên cứu gần đây cùng với xu hướng tương lai trong việc phát triển các mô hình nền tảng ứng dụng trong phân tích dữ liệu địa không gian.

TS. Mẫn Đức Chức trình bày về “Foundation models in Digital Earth: Recent Advances and Future Perspectives”